Cách bắt, dạy và nuôi voi Voi_Việt_Nam

Theo tác giả BlazeRicardo thì voi ở Đông Dương được săn bắt bằng ba cách. Xiêm và Lào thì dùng cách đóng một vòng rào bằng cây gỗ chắc chắn rồi lùa voi rừng vào nhốt lại. Cao Miên nhất là ở vùng Kompong Thom thì có lệ săn bắt voi vào mùa nước lớn, lùa voi bằng xuồng. Thợ săn dùng giáo nhọn đâm lùa voi. Cách này nguy hiểm hơn cả vì voi đau có thể tấn công, làm lật xuồng. Ở Việt Nam thì dùng thòng lọng để bắt voi.

Theo tường thuật của Blazé khi tháp tùng vua Bảo Đại ở La Ngà thì cuộc săn bắt đầu khi thợ săn cưỡi đoàn voi nhà ùa vào đàn voi rừng ngược hướng gió để khỏi bị phát giác. Voi nhà thì chia thành ba loại. Đầu cùng là voi dìu (tiếng Anh beater); kế đến là voi fighter, lạm dịch là voi thúc, sau cùng là captor, tức voi săn. Mỗi con voi nhà có nài cưỡi voi ngồi ở đầu voi điều khiển và một người phó ở cổ voi. Thợ săn chính thì cầm một cần dài khoảng 3 mét, đầu cần mắc thòng lọng nối với đoạn thừng dài 20-30 mét. Khi voi rừng bỏ chạy thì voi dìu được điều khiển tiến vào để voi rừng bớt hoảng sợ. Voi dìu không cần voi lớn, chỉ cần nhanh chân để chạy len vào và trấn an nhóm voi rừng. Nếu voi rừng chạy loạn vào bờ bụi rừng sâu thì sẽ dùng voi dìu đẩy theo hướng đồng trống có chực sẵn voi săn. Kế đến điều voi săn tiến vào dùng đầu ghì lấy hông voi rừng trong khi người thợ lấy cần dài móc thòng lọng vào chân sau của voi. Người phó trên lưng voi săn sau đó thả lỏng hoặc kéo chặt thừng để sao thừng không bị rối. Voi rừng khi bị thòng lọng ở chân thì dần chậm lại rồi bị đưa đến một gốc cây lớn. Người thợ phó liền nhảy xuống đất và mau chân cầm cuộn thừng chạy quanh gốc cây buộc voi rừng vào đấy. Voi thúc, tức những con voi lớn nhất lúc này mới tiến vào cản voi rừng không tấn công người buộc thừng vào gốc cây.[3]

Đoàn người sau đó sẽ buộc cổ voi rừng bằng một vòng thừng. Vòng này lại buộc với vòng cổ của voi nhà khiến hai con không rời nhau được. Voi rừng sau đó được đưa về trại buộc, vòng cổ buộc vào một cành cây cao và voi bị bỏ đói, không cho ăn uống 24 giờ. Voi rừng sẽ cố bứt thừng thoát ra nhưng càng vùng vẫy, càng lả sức. Người luyện sẽ cho voi ăn nếu voi không còn hung dữ nhưng nếu còn đập phá thì sẽ bỏ đói thêm. Khi voi chịu cho đến gần thì người luyện voi sẽ đặt tên cho voi rồi lặp đi lặp lại với mỗi hành động và mệnh lệnh. Khi dạy voi đi lại, tắm rửa thì người luyện cưỡi một con voi cái đi kèm.[4]

Voi trong đời sống của các cộng đồng dân tộc dẫn rõ: Không được đánh đập, nhục mạ voi. Khi voi mệt mỏi, ốm đau phải được chăm sóc, nghỉ ngơi và không được bóc lột sức lao động của voi quá mức. Phải ứng xử với voi như một thành viên trong cộng đồng… Người đồng bào M'Nông đã đưa vào Luật tục bảo vệ voi cho cộng đồng buôn làng, nó hình như cũng là tiếng nói chung cho cộng đồng trên cao Nguyên.